Nhật Bản được mệnh danh là đất nước có các loại trái cây đắt đỏ bậc nhất trên thế giới. Trái cây tại Nhật được ví như một mặt hàng xa xỉ, không có một quốc gia nào trên thế giới có thể làm được.
Một người nông dân tại Nhật chia sẻ rằng: từ khi trái táo bắt đầu ra hoa là thời kì họ bắt đầu làm việc cật lực. Với tỷ lệ 1/6, cứ 6 bông thì nông dân sẽ ngắt bỏ đi 5 bông và chỉ lựa chọn để lại một bông to, khỏe và đẹp nhất. Đến khi trái táo tượng hình, họ tiếp tục quá trình chọn lọc và loại thải mỗi ngày. Tất cả những trái nằm ở vị trí bất lợi để hấp thu chất dinh dưỡng và lượng ánh sáng mặt trời là sẽ ngắt bỏ, bao gồm trái méo, bị sương nám… Một trái táo cần ít nhất 45 – 50 lá để hấp thu carbon và những ngày nắng nóng dài đủ để chín. Nếu các yếu tố để thành một trái táo hoàn hảo đúng chất lượng không đủ thì có để trên cây cũng không có ích gì, vì táo không đúng chất lượng sẽ không được bán ra thị trường.
Nhật Bản còn khiến cả thế giới “trầm trồ” tại phiên đấu giá, khi cặp dưa lưới Nhật Bản có giá trị bằng cả một chiếc xe hơi. Vậy tại sao trái cây lại có thể đắt đỏ tới vậy?
Câu chuyện về những loại trái cây có giá đắt đỏ, lên đến hàng trăm, thậm chí hàng triệu đồng một quả nghe có vẻ lạ lùng, nhưng lại không phải là điều mới mẻ tại “đất nước mặt trời mọc”.
Trong cuộc đấu giá ở thành phố Yubari phía bắc Nhật Bản, 2 quả dưa lưới Nhật Bản Crown được bán với mức giá kỷ lục 45.600 USD (hơn 1 tỷ đồng). Đây là loại dưa đắt đỏ bậc nhất ở Nhật, chỉ được bày bán ở những cửa hàng trái cây cao cấp tại Tokyo và mỗi quả dưa sẽ có một chữ ký riêng.
Thông thường, vào đầu mùa, những trái dưa lưới hoàn hảo đầu tiên được đưa ra bán đấu giá. Đây cũng là lý do khiến những trái dưa có giá “trên trời”, lên đến 22.500 USD/quả. Một kỷ lục về giá mới được thiết lập gần như mỗi năm và có vẻ như giá của chúng không có chiều hướng đi xuống.
Với quy trình chăm sóc thủ công và khắt khe, những trái dưa lưới Nhật Bản có mức giá rất cao, xong vẫn có một thị trường lớn dành cho loại trái cây này trên khắp Nhật Bản. Người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền để đảm bảo rằng món quà của họ là hoàn hảo, đặc biệt là khi họ biết rõ về cách tạo ra những quả dưa có chất lượng.
Câu chuyện nâng cao giá trị sản phẩm không còn là chuyện riêng của doanh nghiệp mà đó là câu chuyện của chuỗi ngành hàng và gốc rễ từ người nông dân. Khi người nông dân có tư duy cùng với doanh nghiệp, việc xây dựng thương hiệu này không còn khó khăn nữa và theo đó nông sản Việt Nam sẽ không thua kém bất kì một quốc gia nào.
CEO Ngô Tường Vy đã từng nói: “Đất nước Việt Nam của chúng ta không chỉ có nhiều cảnh đẹp mà còn được thiên nhiên ban tặng những yếu tố tự nhiên thuân lợi cho phát triển nông nghiệp như khí hậu, thổ nhưỡng, sông ngòi,…Chỉ cần các doanh nghiệp đoàn kết với nhau, nông dân đoàn kết với doanh nghiệp thì sẽ trở thành một chuỗi liên kết bền chặt cùng nhau xây dựng thương hiệu “Made in Vietnam”.
Mỗi người là một mắt xích trong chuỗi liên kết này và có người hưởng lợi một chút, có người sẽ thiệt một chút cũng không sao, miễn là chúng ta xác định được chúng ta muốn gì và tương lai của chúng ta thế nào. Chúng ta không chỉ xây dựng nền tảng vững chắc để phát triển lâu dài cho chính chúng ta mà cho cả thế hệ tiếp nối chúng ta.
Trên thương trường quốc tế, không chỉ là câu chuyện của một doanh nghiệp đơn lẻ, mà nó là câu chuyện của của quốc gia. Nếu sản phẩm của chúng ta không tốt, người tiêu dùng họ sẽ nghĩ đến thương hiệu tại nước đó không tốt và từ đó ảnh hưởng đến thương hiệu của quốc gia. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu trái cây “Made in Vietnam” là việc rất quan trọng và không phải một doanh nghiệp là làm được. “